tin tức nổi bật
XÁC ĐỊNH TÀI SẢN CHUNG SAU LY HÔN
Tình huống:
Anh Tú và chị Trà kết hôn năm 2017. Năm 2019, mẹ của anh Tú qua đời và có để lại di chúc ngôi nhà khoảng 200m2 tại thành phố Hồ Chí Minh cho cả hai vợ chồng. Trong suốt quá trình chung sống với nhau, hai anh chị luôn có mâu thuẫn và thường xuyên xảy ra cãi vã. Thế nên, đến năm 2020, anh Tú và chị Tâm đã dẫn đến quyết định ly hôn. Như vậy, tài sản mà mẹ anh Tú cho hai vợ chồng sẽ được xử lý như thế nào?
Hướng giải quyết:
Theo tình huống trên, căn cứ Điều 33 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 (được hướng dẫn tại Điều 9, 10 Nghị định 126/2014/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/02/2015) quy định về tài sản chung của hai vợ chồng:
“Điều 33. Tài sản chung của vợ chồng
1. Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.
Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.
2. Tài sản chung của vợ chồng thuộc sở hữu chung hợp nhất, được dùng để bảo đảm nhu cầu của gia đình, thực hiện nghĩa vụ chung của vợ chồng.
3. Trong trường hợp không có căn cứ để chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó được coi là tài sản chung.”
Do đó, căn cứ theo quy định nêu trên, phần tài sản của mẹ anh Tú để lại bằng di chúc cho cả hai vợ chồng được xác định là khối tài sản chung của hai người. Sau khi ly hôn, hai vợ chồng có thể tự thỏa thuận với nhau về việc chia di sản thừa kế đó hoặc nếu không tìm được tiếng nói chung thì hai bên có thể yêu cầu Tòa án giải quyết.
TRIỂN LUẬT LAW.