0903.121.676 / 077.682.0693
0903.121.676 / 077.682.0693

XÁC ĐỊNH CHA MẸ CHO CON ĐƯỢC SINH RA BẰNG THỤ TINH NHÂN TẠO

Tình huống:

Vợ chồng anh Hiếu kết hôn được 07 năm mà chưa có con, mặc dù đã chạy chữa ở nhiều nơi cũng như thử qua rất nhiều cách mà vẫn không có kết quả. Vừa qua, anh Hiếu không may bị tai nan giao thông, sức khỏe ngày một yếu. Vợ anh Hiếu dự định gửi tinh trùng của chồng vào bệnh viện để sau này có thể sinh con bằng phương pháp thụ tinh ống nghiệm. Vậy sau khi anh Hiếu qua đời, vợ anh Hiếu mới làm thụ tinh thì con sinh ra có được xác định là con anh Hiếu không?

Hướng giải quyết:

Theo tình huống trên, theo Khoản 4 Điều 21 Nghị định số 10/2015/NĐ-CP ngày 28/01/2015 của Chính phủ quy định:

“Điều 21. Gửi tinh trùng, gửi noãn, gửi phôi

4. Người vợ hoặc người chồng sử dụng tinh trùng, noãn, phôi thuộc trường hợp quy định tại khoản 2, Điểm b Khoản 3 Điều này làm phát sinh các quan hệ ngoài quan hệ hôn nhân gia đình thì thực hiện theo quy định của pháp luật hôn nhân gia đình và pháp luật dân sự.”

Căn cứ theo Khoản 1 Điều 93 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về xác định cha, mẹ trong trường hợp sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản như sau:

“Điều 93. Xác định cha, mẹ trong trường hợp sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản

1.     Trong trường hợp người vợ sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản thì việc xác định cha, mẹ được áp dụng theo quy định tại Điều 88 của Luật này.”

Điều 88. Xác định cha, mẹ

1.     Con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hoặc do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân là con chung của vợ chồng.

Con được sinh ra trong thời hạn 300 ngày kể từ thời điểm chấm dứt hôn nhân được coi là con do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân.

Con sinh ra trước ngày đăng ký kết hôn và được cha mẹ thừa nhận là con chung của vợ chồng.

2.     Trong trường hợp cha, mẹ không thừa nhận con thì phải có chứng cứ và phải được Tòa án xác định.”

Và theo Điều 65 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về thời điểm chấm dứt hôn nhân:

“Điều 65. Thời điểm chấm dứt hôn nhân

Hôn nhân chấm dứt kể từ thời điểm vợ hoặc chồng chết.

Trong trường hợp Tòa án tuyên bố vợ hoặc chồng là đã chết thì thời điểm hôn nhân chấm dứt được xác định theo ngày chết được ghi trong bản án, quyết định của Tòa án.”

Vì vợ anh Hiếu thực hiện phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm sau khi anh Hiếu chết (tức là hôn nhân của họ đã chấm dứt) nên con sinh ra trong trường hợp này không được coi là con chung trong thời kỳ hôn nhân của vợ chồng anh Hiếu. Do vậy trên giấy khai sinh của con, tên người cha sẽ để trống. Tuy nhiên, sẽ có một quy định như sau:

“Điều 90. Quyền nhận cha, mẹ

1. Con có quyền nhận cha, mẹ của mình, kẻ cả trong trường hợp cha, mẹ đã chết.”

Vì vậy, muốn xác định cha cho con, vợ anh Hiếu phải làm thủ tục xác nhận cha cho con theo quy định tại Điều 102 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014. Tòa án là cơ quan có thẩm quyền giải quyết việc xác định cha, mẹ, con trong trường hợp người được yêu cầu xác định là cha, mẹ, con đã chết. Sau khi làm thủ tục xác nhận cha, anh Hiếu mới chính thức được pháp luật thừa nhận là cha của đứa bé. Lúc này quyết định của Tòa án về xác định cha, mẹ, con được gửi cho cơ quan đăng ký hộ tịch để ghi chú theo quy định pháp luật về hộ tịch (tức cơ quan đăng ký khai sinh sẽ ghi vào sổ hộ tịch anh Hiếu là cha, và ghi tên anh Hiếu vào phần ghi về người cha trên giấy khai sinh của con – Khoản 2 Điều 101 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014).

TRIỂN LUẬT LAW.