0903.121.676 / 077.682.0693
0903.121.676 / 077.682.0693

Ông D lấy bà B là vợ thứ hai và có 2 con chung. Ông D có một người con riêng bị tàn tật sống với mẹ đẻ là vợ cũ của ông D, hàng tháng ông có nghĩa vụ cấp dưỡng cho người con này. Nay ông D đột ngột qua đời. Bà B và vợ cũ của ông D tranh chấp nhau về việc thanh toán tiền cấp dưỡng cho người con riêng của ông D từ di sản của ông D. Vợ cũ của ông D yêu cầu bà B phải tiếp tục thay ông D thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng; bà B không đồng ý vì cho rằng đây là nghĩa vụ của ông D, nay ông D mất thì việc thực hiện nghĩa vụ này sẽ chấm dứt. Hỏi: Vợ cũ của ông D yêu cầu bà B phải tiếp tục thay ông D thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng có đúng quy định của pháp luật không?

Trả lời:

Cơ sở pháp lý:

- Khoản 1 Điều 615 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại: “1. Những người hưởng thừa kế có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản do người chết để lại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.”

- Điều 658 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về thứ tự ưu tiên thanh toán: “Các nghĩa vụ tài sản và các khoản chi phí liên quan đến thừa kế được thanh toán theo thứ tự sau đây: 1. Chi phí hợp lý theo tập quán cho việc mai táng. 2. Tiền cấp dưỡng còn thiếu. 3. Chi phí cho việc bảo quản di sản. 4. Tiền trợ cấp cho người sống nương nhờ. 5. Tiền công lao động. 6. Tiền bồi thường thiệt hại. 7. Thuế và các khoản phải nộp khác vào ngân sách nhà nước. 8. Các khoản nợ khác đối với cá nhân, pháp nhân. 9. Tiền phạt. 10. Các chi phí khác. ”

- Khoản 4 Điều 118 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về chấm dứt nghĩa vụ cấp dưỡng: “Nghĩa vụ cấp dưỡng chấm dứt trong các trường hợp sau đây:…. 4. Người cấp dưỡng hoặc người được cấp dưỡng chết;”

Trong tình huống trên, theo quy định tại khoản 1 Điều 615 Bộ luật Dân sự năm 2015, những người hưởng thừa kế có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản do người chết để lại, trừ trường hợp có thoả thuận khác. Theo quy định tại Điều 658 Bộ luật Dân sự năm 2015 về thứ tự ưu tiên thanh toán di sản thừa kế, khoản tiền cấp dưỡng còn thiếu là một trong những nghĩa vụ tài sản phải thanh toán lấy từ di sản của người đã chết. Tuy nhiên, cần lưu ý là chỉ dùng di sản để thanh toán cho khoản tiền cấp dưỡng còn thiếu, chứ không phải để tiếp tục thực hiện việc cấp dưỡng cho người được cấp dưỡng. Vì nghĩa vụ này gắn liền với nhân thân của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và không thể chuyển giao cho người khác. Khoản 4 Điều 118 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định khi người cấp dưỡng chết thì nghĩa vụ cấp dưỡng chấm dứt. Như vậy, khi ông D chết thì nghĩa vụ cấp dưỡng đối với đứa con tàn tật của ông D chấm dứt. Bà B và các con của bà không phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ đó. Vì vậy, theo quy định của pháp luật, khi ông D chết, di sản của ông D sau khi trừ các khoản tiền để thanh toán cho các nghĩa vụ tài sản và các khoản chi phí liên quan đến thừa kế theo thứ tự quy định tại Điều 658 Bộ luật Dân sự năm 2015, trong đó có việc thanh toán tiền cấp dưỡng còn thiếu, tính đến thời điểm ông D chết; phần còn lại chia cho những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của ông là: bố, mẹ, bố nuôi, mẹ nuôi của ông D (nếu còn sống), bà B và 3 người con của ông D.

TRIỂN LUẬT LAW.