0903.121.676 / 077.682.0693
0903.121.676 / 077.682.0693

TỪ VỤ NỔ SÚNG KHIẾN 03 NGƯỜI THƯƠNG VONG Ở THÁI NGUYÊN: PHÁP LUẬT QUY ĐỊNH THẾ NÀO VỀ VIỆC QUẢN LÝ, SỬ DỤNG VŨ KHÍ QUÂN DỤNG?

1. Đặt vấn đề

Những ngày vừa qua, cộng đồng mạng đã vô cùng lo lắng và bàng hoàng trước thông tin một người đàn ông ở Thái Nguyên vì muốn giải quyết mâu thuẫn cá nhân đã dùng súng bắn chết hàng xóm rồi tự sát. Theo thông tin từ báo đài, người đàn ông này được cho là đã sử dụng súng quân dụng để gây án và tự sát. Vụ việc trên như là một lời cảnh báo về tình hình trật tự xã hội nói chung cũng như việc quản lý, sử dụng trái phép vũ khí (cụ thể là súng) nói riêng hiện nay.

 

2. Quy định pháp luật về việc quản lý, sử dụng vũ khí quân dụng?

a. Khái niệm về vũ khí, vũ khí quân dụng

Theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017 quy định:

Vũ khí là thiết bị, phương tiện hoặc tổ hợp những phương tiện được chế tạo, sản xuất có khả năng gây sát thương, nguy hại cho tính mạng, sức khỏe của con người, phá hủy kết cấu vật chất, bao gồm: vũ khí quân dụng, súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao và vũ khí khác có tính năng, tác dụng tương tự.”

Trong đó, tại khoản 2 Điều 3Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017 cũng quy định:

Vũ khí quân dụng là vũ khí được chế tạo, sản xuất bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật, thiết kế của nhà sản xuất hợp pháp, được trang bị cho lực lượng vũ trang nhân dân và các lực lượng khác theo quy định của Luật này để thi hành công vụ, bao gồm:

a) Súng cầm tay bao gồm: súng ngắn, súng trường, súng tiểu liên, súng trung liên, súng chống tăng, súng phóng lựu;

b) Vũ khí hạng nhẹ bao gồm: súng đại liên, súng cối, súng ĐKZ, súng máy phòng không, tên lửa chống tăng cá nhân;

c) Vũ khí hạng nặng bao gồm: máy bay chiến đấu, trực thăng vũ trang, xe tăng, xe thiết giáp, tàu chiến, tàu ngầm, pháo mặt đất, pháo phòng không, tên lửa;

d) Bom, mìn, lựu đạn, ngư lôi, thủy lôi; đạn sử dụng cho các loại vũ khí quy định tại các điểm a, b và c khoản này.

Có thể thấy rằng, việc sử dụng các loại súng cầm tay bao gồm: súng ngắn, súng trường, súng tiểu liên, súng trung liên, súng chống tăng, súng phóng lựu đều là việc sử dụng vũ khí quân dụng.

b. Đối tượng được trang bị vũ khí quân dụng

            Vũ khí quân dụng là một trong những loại vũ khí nguy hiểm, mang tính sát thương cao. Vì vậy, đối tượng được trang bị, quản lý và sử dụng loại vũ khí này cũng được pháp luật quy định cụ thể. Theo khoản 1 Điều 18 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017 thì chỉ những đối tượng sau đây mới được trang bị vũ khí quân dụng, bao gồm: Quân đội nhân dân; Dân quân tự vệ; Cảnh sát biển; Công an nhân dân; Cơ yếu; Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Kiểm lâm, Kiểm ngư; An ninh hàng không; Hải quan cửa khẩu, lực lượng chuyên trách chống buôn lậu của Hải quan.

            Ngoài những đối tượng nêu trên, việc chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng đều vi phạm pháp luật và phải chịu hậu quả pháp lý đối với những hành vi này.

c. Hậu quả pháp lý khi sử dụng trái phép vũ khí quân dụng

Như đã đề cập ở trên, chỉ những đối tượng được pháp luật cho phép mới được quản lý, sử dụng vũ khí quân dụng. Do đó, khi cá nhân, tổ chức khác sử dụng vũ khí quân dụng đều phải chịu trách nhiệm về tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự theo quy định tại Điều 304 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017, cụ thể:

Điều 304. Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự

1. Người nào chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 07 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:

a) Có tổ chức;

b) Vận chuyển, mua bán qua biên giới;

c) Làm chết người;

d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

e) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

g) Vật phạm pháp có số lượng lớn hoặc có giá trị lớn;

h) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:

a) Làm chết 02 người;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;

c) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;

d) Vật phạm pháp có số lượng rất lớn hoặc có giá trị rất lớn.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:

a) Làm chết 03 người trở lên;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;

c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên;

đ) Vật phạm pháp có số lượng đặc biệt lớn hoặc có giá trị đặc biệt lớn.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm.

            Như vậy, vũ khí quân dụng là một trong những loại vũ khí được quản lý và sử dụng có điều kiện, được quy định cụ thể, chặt chẽ theo quy định của pháp luật. Chỉ những cơ quan, tổ chức, cá nhân đảm bảo các điều kiện luật định mới được pháp sử dụng loại vũ khí này. Những cá nhân, tổ chức khác khi sử dụng trái phép đều phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi của mình.

3. Cơ sở pháp lý

- Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017;

- Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017.

 TRIỂN LUẬT LAW.