0903.121.676 / 077.682.0693
0903.121.676 / 077.682.0693

TỪ CHỐI NHẬN CON KHI NHỜ MANG THAI HỘ

Tình huống:

Ông Hạnh và bà Huyền đã kết hôn với nhau hơn 05 năm nhưng không có con vì lý do sức khỏe. Vì mong muốn có con, hai người đã thống nhất nhờ chị Hà mang thai hộ. Sau khi bàn bạc, chị Hà đã đồng ý và hoàn tất các thủ tục; và sau đó, chị đã sinh ra được 01 bé gái. Nhưng trong thời gian này, vợ chồng ông Hạnh đã xảy ra cãi vả, mâu thuẫn nên đã không muốn nhận con theo đúng thời hạn. Như vậy, trường hợp trên sẽ được xử lý như thế nào?

Hướng giải quyết:

Hiện nay, để bảo vệ quyền làm cha mẹ của các cặp vợ chồng không có khả năng sinh con, hoặc không thể sinh con do điều kiện sức khỏe, Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 đã bổ sung quy định cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Đồng thời, quy định rõ quyền và nghĩa vụ của bên nhờ mang thai hộ và bên mang thai hộ. Cụ thể, Điều 98 của Luật quy định quyền, nghĩa vụ của bên nhờ mang thai hộ vì mục đích nhân đạo như sau:

“Điều 98. Quyền, nghĩa vụ của bên nhờ mang thai hộ vì mục đích nhân đạo

1. Bên nhờ mang thai hộ có nghĩa vụ chi trả các chi phí thực tế để bảo đảm việc chăm sóc sức khỏe sinh sản theo quy định của Bộ Y tế.

2. Quyền, nghĩa vụ của bên nhờ mang thai hộ vì mục đích nhân đạo đối với con phát sinh kể từ thời điểm con được sinh ra. Người mẹ nhờ mang thai hộ được hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về lao động và bảo hiểm xã hội từ thời điểm nhận con cho đến khi con đủ 06 tháng tuổi.

3. Bên nhờ mang thai hộ không được từ chối nhận con. Trong trường hợp bên nhờ mang thai hộ chậm nhận con hoặc vi phạm nghĩa vụ về nuôi dưỡng, chăm sóc con thì phải có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con theo quy định của Luật này và bị xử lý theo quy định của pháp luật có liên quan; nếu gây thiệt hại cho bên mang thai hộ thì phải bồi thường. Trong trường hợp bên nhờ mang thai hộ chết thì con được hưởng thừa kế theo quy định của pháp luật đối với di sản của bên nhờ mang thai hộ.

4. Giữa con sinh ra từ việc mang thai hộ với các thành viên khác của gia đình bên nhờ mang thai hộ có các quyền, nghĩa vụ theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và luật khác có liên quan.

5. Trong trường hợp bên mang thai hộ từ chối giao con thì bên nhờ mang thai hộ có quyền yêu cầu Tòa án buộc bên mang thai hộ giao con.”

Và theo khoản 5 Điều 97 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định: “Trong trường hợp bên nhờ mang thai hộ từ chối nhận con thì bên mang thai hộ có quyền yêu cầu Tòa án buộc bên nhờ mang thai hộ nhận con.”

Theo đó, việc nhận con và nuôi dưỡng, chăm sóc con là nghĩa vụ của bên nhờ mang thai hộ (vợ chồng ông Hạnh và bà Huyền) và họ không được phép từ chối nhận con, không được phép vứt bỏ, không chăm sóc, nuôi dưỡng con của mình.

Ngoài ra, đối với cha mẹ có động thái bỏ hoặc không nuôi dưỡng sau khi sinh có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng và bị buộc phải thực hiện nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em theo quy định của pháp luật, cụ thể được quy định tại Điều 21, Nghị định 130/2021/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo trợ, trợ giúp xã hội và trẻ em:

“Điều 21. Vi phạm quy định về chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em

1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ, trách nhiệm của mình trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em trừ trường hợp bị buộc phải tạm thời cách ly trẻ em hoặc trẻ em được chăm sóc thay thế theo quy định của pháp luật;

b) Cha mẹ, người chăm sóc trẻ em không quan tâm chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em, không thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm của mình trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em hoặc bỏ mặc trẻ em tự sinh sống, cắt đứt quan hệ tình cảm và vật chất với trẻ em hoặc ép buộc trẻ em không sống cùng gia đình, trừ trường hợp bị buộc phải tạm thời cách ly trẻ em hoặc trẻ em được chăm sóc thay thế theo quy định của pháp luật.

2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em có hành vi cố ý bỏ rơi trẻ em.”

2. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc thực hiện nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em theo quy định của pháp luật đối với cha, mẹ, người giám hộ có hành vi vi phạm tại Khoản 1 Điều này.

Do đó, chị Hà có quyền trình báo công an Phường/Xã nơi vợ chồng Ông Hạnh và bà Huyền đang cư trú để yêu cầu Công an buộc vợ chồng ông Hạnh và bà Huyền thực hiện nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em theo quy định.

Trong trường hợp vợ chồng Ông Hạnh và bà Huyền vẫn tiếp tục chối bỏ nghĩa vụ làm cha làm mẹ của mình, từ chối nhận con thì chị Hà có quyền yêu cầu Tòa án buộc vợ chồng ông Hạnh và bà Huyền nhận con.

TRIỂN LUẬT LAW.