0903.121.676 / 077.682.0693
0903.121.676 / 077.682.0693
Để lại di chúc nhằm định đoạt tài sản của mình là quyền chính đáng của mỗi cá nhân, pháp luật luôn tôn trọng và tạo điều kiện để cá nhân thực hiện quyền này. Tuy nhiên, pháp luật cũng là “cái cân” để cân bằng lợi ích chung của xã hội cũng như giữ gìn các giá trị truyền thống của quốc gia, dân tộc. Chính vì vậy, dưới góc độ đạo đức và pháp luật, trong một số trường hợp nhất định, mặc dù tôn trọng quyền cá nhân của người để lại di sản thừa kế nhưng pháp luật vẫn phải “dành” một phần nào đó cho những đối tượng mà người để lại di sản phải có nghĩa vụ đối với họ.
 
1. Đối tượng được hưởng thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc
 
Căn cứ theo quy định tại Điều 644 Bộ luật dân sự năm 2015, các đối tượng được hưởng thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc, bao gồm:
  • Cha, mẹ của người để lại di sản: Trường hợp này, pháp luật không phân biệt đó là cha, mẹ đẻ hay cha, mẹ nuôi. Tuy nhiên, nếu là cha, mẹ nuôi thì phải là cha, mẹ nuôi hợp pháp, đảm bảo tuân thủ các quy định về cha, mẹ nuôi và con nuôi theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình.
  • Vợ, chồng của người để lại di sản: Vợ, chồng phải là vợ chồng hợp pháp, tuân thủ các quy định có liên quan của pháp luật về hôn nhân và gia đình.
  • Con chưa thành niên của người để lại di sản: con chưa thành niên là con chưa đủ 18 tuổi tại thời điểm mở thừa kế.
  • Con thành niên mà không có khả năng lao động của người để lại di sản: Trường hợp này, con thành niên mà không có khả năng lao động được hiểu là tại thời điểm mở thừa kế người này đã đủ 18 tuổi trở lên nhưng bị mắc các bệnh về tâm thần hoặc các bệnh khác dẫn đến không có khả năng nhận thức và làm chủ hành vi (ví dụ: bại liệt toàn thân, liệt cột sống, bại não, mất sức lao động từ 81% trở lên...v..v..).
2. Điều kiện để được hưởng thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc
 
a. Điều kiện chung
 
Để được hưởng thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc, người được hưởng thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc (sau đây gọi tắt là người thuộc diện thừa kế) phải đáp ứng những điều kiện sau đây:
  • Không từ chối di sản theo Điều 620 Bộ luật dân sự 2015;
  • Không bị truất quyền thừa kế di sản theo Điều 621 Bộ luật dân sự 2015;
  • Phải còn sống tại thời điểm mở thừa kế. Nói cách khác, người thuộc diện thừa kế phải không chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người để lại di sản.
b. Điều kiện riêng
 
Ngoài ra, để được hường thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc, người thuộc diện thừa kế còn phải đáp ứng các điều kiện đặc thù: Người thuộc diện thừa kế bắt buộc phải không được hưởng di sản theo di chúc hoặc được hưởng nhưng giá trị phần di sản thực tế ít hơn 2/3 một suất thừa kế theo pháp luật, nếu di sản thừa kế chia theo pháp luật.
 
3. Tình huống pháp lý
 
Để giúp Quý khách hàng hiểu rõ hơn quy định của pháp luật đối với chế định này, Triển Luật Law xin nêu ra một tình huống pháp lý cụ thể như sau:
A và B là vợ chồng, có đăng ký kết hôn năm 2000. A và B có 2 con chung là C và D đều dưới 18 tuổi.
Năm 2019, A chết, trước khi chết A viết di chúc để lại toàn bộ tài sản của mình (1 tỷ đồng) cho cha, mẹ ruột.
 
Phân tích: Theo quy định tại Điều 644 Bộ luật dân sự năm 2015, B, C và D vẫn được hưởng di sản thừa kế của A để lại. Trường hợp này, tính như sau:
Những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất nếu chia theo pháp luật bao gồm: cha, mẹ, B, C và D (tất cả là 5 người)
Một suất thừa kế theo pháp luật sẽ là: 1,000,000,000/5 = 200 triệu.
B, C và D được thừa kế 2/3 giá trị một suất thừa kế nếu chia theo pháp luật:
200 triệu * 2/3 = 133,3 triệu đồng.
Như vậy, B, C và D sẽ được nhận mỗi người 133,33 triệu đồng. Phần còn lại thuộc về cha, mẹ của A.
 
Trên đây là nội dung tư vấn về việc hưởng thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc của Văn phòng Luật sư Triển Luật. Để được tư vấn các thông tin khác về hôn nhân gia đình, xin vui lòng liên hệ qua số điện thoại, email hoặc liên hệ trực tiếp tại Văn phòng để được hỗ trợ, giải đáp.