0903.121.676 / 077.682.0693
0903.121.676 / 077.682.0693
Khi xã hội ngày càng phát triển thì những tranh chấp liên quan đến di sản thừa kế cũng phát sinh ngày càng nhiều, thậm chí nhiều người đã vì di sản thừa kế mà có những hành vi vi pháp luật, trái với đạo lý con người. Những vụ án như con giết cha để được hưởng di sản thừa kế hay con bất hiếu, trốn tránh trách nhiệm, không phụng dưỡng cha mẹ lúc già yếu nhưng vẫn đòi chia di sản, ngày nay không còn là hiếm. Những hành vi đó liệu có còn xứng đáng để được hưởng di sản và pháp luật nước ta đã có những quy định cụ thể như thế nào đối với những trường hợp này?
I. Cơ sở pháp lý:
Các trường hợp người thừa kế không được hưởng di sản thừa kế được quy định tại Điều 621 BLDS 2015, cụ thể như sau:
"1. Những người sau đây không được quyền hưởng di sản:
a) Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe hoặc về hành vi ngược đãi nghiêm trọng, hành hạ người để lại di sản, xâm phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người đó;
b) Người vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nuôi dưỡng người để lại di sản;
c) Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng người thừa kế khác nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ phần di sản mà người thừa kế đó có quyền hưởng;
d) Người có hành vi lừa dối, cưỡng ép hoặc ngăn cản người để lại di sản trong việc lập di chúc; giả mạo di chúc, sửa chữa di chúc, hủy di chúc, che giấu di chúc nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ di sản trái với ý chí của người để lại di sản.
2. Những người quy định tại khoản 1 Điều này vẫn được hưởng di sản, nếu người để lại di sản đã biết hành vi của những người đó, nhưng vẫn cho họ hưởng di sản theo di chúc."
Từ quy định trên, có hai trường hợp như sau: trường hợp không có di chúc và trường hợp có di chúc.
 
II. Trường hợp không có di chúc:
1. “Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe hoặc về hành vi ngược đãi nghiêm trọng, hành hạ người để lại di sản, xâm phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người đó”.
 - Hành vi cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe người để lại di sản được hiểu là hành vi gây hại đến sức khỏe, thậm chí có khả năng gây ra cái chết cho người để lại di sản, chấm dứt sự sống của người đó. Những hành vi này phải là hành vi tước đoạt tính mạng của người khác một cách trái pháp luật thì người thừa kế mới bị tước quyền hưởng di sản.
Người đã bị Tòa án kết án về tội giết người, tội cố ý gây thương tích…thì không có quyền thừa kế của người để lại di sản. Động cơ của người phạm tội và việc thực hiện tội phạm đã hoàn thành hay chưa hoàn thành không ảnh hưởng đến nội dung của quy định trên. Nếu một người chỉ bị kết án về hành vi vô ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe người để lại di sản thì không bị tước quyền hưởng di sản.
- Hành vi ngược đãi người để lại di sản là hành vi đối xử tàn nhẫn, tồi tệ với người thân của mình, trái với đạo đức luân lý. Người phạm tội có thể là những người có quan hệ lệ thuộc với người bị hành hạ và người bị hành hạ thường là người bị lệ thuộc về vật chất hoặc họ không thể tự chăm lo cho bản thân nên cần có người khác giúp đỡ trong sinh hoạt hàng ngày. Điều kiện được đặt ra trong trường hợp này là phải có một bản án có hiệu lực của pháp luật. Nếu có những hành vi trên nhưng không bị kết án thì sẽ không bị ràng buộc bởi điều này. Ngoài ra, người thừa kế có những hành vi nói trên đã bị kết án, dù đã được xóa án thì vẫn không có quyền hưởng di sản của người đã chết.
 
2. “Người phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nuôi dưỡng người để lại di sản”.
Theo quy định tại Điều 71, 104, 105, 106 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014, những người có nghĩa vụ nuôi dưỡng nhau bao gồm:
- Cha, mẹ có nghĩa vụ nuôi dưỡng con chưa thành niên, con đã thành niên nhưng mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình. Con có nghĩa vụ nuôi dưỡng cha mẹ, đặc biệt khi cha mẹ mất năng lực hành vi dân sự, ốm đau, già yếu, khuyết tật; trường hợp gia đình có nhiều con thì các con phải cùng nhau chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ.
- Ông bà có nghĩa vụ nuôi dưỡng cháu chưa thành niên, cháu đã thành niên nhưng mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình mà không có người nuôi dưỡng. Cháu đã thành niên có nghĩa vụ nuôi dưỡng ông bà nếu ông bà không có con để nuôi dưỡng mình.
- Cô, dì, chú, cậu, bác ruột và cháu ruột có nghĩa vụ nuôi dưỡng nhau trong trường hợp người cần được nuôi dưỡng không còn cha, mẹ, con hoặc còn nhưng những người này không có điều kiện để thực hiện nghĩa vụ nuôi dưỡng.
- Anh, chị, em có nghĩa vụ nuôi dưỡng nhau trong trường hợp không còn cha mẹ hoặc cha mẹ không có điều kiện trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con.
Những người có nghĩa vụ nuôi dưỡng nhau nêu trên, nếu có khả năng nuôi dưỡng, mà không thực hiện nuôi dưỡng, làm cho người cần được nuôi dưỡng lâm vào tình cảnh khó khăn, thiếu thốn, đói khổ, hoặc nguy hiểm đến tính mạng thì không có quyền hưởng di sản của người đó.
 
3. “Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng người thừa kế khác nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ phần di sản mà người thừa kế đó có quyền hưởng”.
Trường hợp này, người thừa kế không được hưởng di sản khi bị kết án về tội cố ý giết người thừa kế khác cùng hàng để chiếm đoạt phần di sản lẽ ra người này được hưởng. Theo quy định trên, một người bị kết án về hành vi cố ý giết người thừa kế khác với mục đích chiếm đoạt phần di sản mà người thừa kế đó có quyền hưởng, thì bị tước quyền thừa kế. Nhưng một người chỉ bị kết án về hành vi cố ý giết người thừa kế khác mà không nhằm mục đích chiếm đoạt phần di sản của người thừa kế đó được hưởng thì không bị tước quyền thừa kế.
Ví dụ, có những trường hợp anh, chị, em ruột giết nhau nhưng không phải là để chiếm đoạt tài sản mà do nhiều nguyên nhân khác nhau như: do tài sản chia không công bằng hoặc tranh nhau vị trí của di sản ở mặt đường, trong ngõ, chỗ giá trị, chỗ ít giá trị… Họ không tự giải quyết được mâu thuẫn trên dẫn đến xô xát rồi phạm tội. Động cơ giết người của họ không phải để chiếm đoạt tài sản người khác. Do vậy, mặc dù bị kết án về tội giết người nhưng họ vẫn được hưởng di sản thừa kế.
Một người chỉ bị kết án về hành vi vô ý làm chết người thừa kế khác thì không bị tước quyền hưởng di sản của người để lại di sản; đồng thời còn được thừa kế của người bị vô ý làm chết đó.
 
4. "Người có hành vi lừa dối, cưỡng ép hoặc ngăn cản người để lại di sản trong việc lập di chúc; giả mạo di chúc, sửa chữa di chúc, hủy di chúc, che giấu di chúc nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ di sản trái với ý chí của người để lại di sản."
- Quyền lập di chúc để định đoạt tài sản chính là quyền định đoạt tài sản của chủ sở hữu khi còn sống. Hành vi cản trở đối với người lập di chúc là hành vi trái pháp luật. Do vậy, người có hành vi cản trở sẽ bị tước quyền hưởng di sản do người có di sản để lại.
Trường hợp người thừa kế có hành vi lừa dối người lập di chúc hoặc giả mạo di chúc, sửa chữa di chúc… mà không nhằm mục đích hưởng một phần hoặc toàn bộ di sản trái với ý chí của người lập di chúc thì chỉ áp dụng các biện pháp chế tài thông thường theo Luật dân sự như bồi thường thiệt hại, chứ không bị tước quyền thừa kế theo trường hợp này.
Pháp luật luôn bảo vệ những quyền lợi chính đáng của mọi công dân. Những công dân thực hiện hành vi trái pháp luật thì tư cách chủ thể của cá nhân trong một số quan hệ sẽ bị hạn chế hoặc đình chỉ theo luật định.
 
III. Trường hợp có di chúc:
Nếu người để lại di sản đã biết hành vi của những người trên, nhưng vẫn cho họ hưởng di sản thì những người đó vẫn được hưởng di sản vì quy định trên dựa vào cơ sở pháp luật luôn tôn trọng quyền định đoạt của người để lại di sản.