0903.121.676 / 077.682.0693
0903.121.676 / 077.682.0693

Vậy? Người được hưởng thừa kế sẽ quan tâm đến những vấn đề gì??? Vui lòng tham khảo bảng câu hỏi - giải đáp thắc mắc như bên dưới: 

07 THẮC MẮC & GIẢI ĐÁP VỀ THỪA KẾ
 
STT THẮC MẮC GIẢI ĐÁP
1 Con sinh ra từ phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm sau khi người để lại thừa kế chết có được nhận thừa kế của người để lại di sản thừa kế không? Theo Điều 613 BLDS 2015: “Người thừa kế là cá nhân phải là người còn sống vào thời điểm mở thừa kế hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết. Trường hợp người thừa kế theo di chúc không là cá nhân thì phải tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.”
Vậy con sinh ra bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm sau khi người cha chết sẽ không được hưởng di sản thừa kế của người cha do chưa sinh ra.
2 Lúc còn sống ông A có nghĩa vụ trợ cấp cho vợ cũ sau khi ly hôn, vậy sau khi ông A chết, liệu những người thừa kế của ông A có phải sử dụng di sản của ông A để lại để tiếp tục trợ cấp cho vợ cũ hay không? Đối với những quyền tài sản và nghĩa vụ tài sản gắn liền với nhân thân người chết (tức là không thể di chuyển cho người khác được), thì không phải là di sản thừa kế của người đó. Ví dụ: Các quyền được hưởng trợ cấp thương tật, tiền tuất, trợ cấp vì túng thiếu sau khi ly hôn...chỉ có thể được thực hiện khi người được hưởng quyền còn sống. Nghĩa vụ trợ cấp cho vợ vì túng thiếu sau khi ly hôn chỉ phải thực hiện khi người có có nghĩa vụ còn sống. Vì vậy, các người thừa kế không được hưởng loại quyền tài sản gắn liền với thân nhân người chết, và cũng không phải thực hiện loại nghĩa vụ tài sản đó. Trong trường hợp này những người thừa kế của ông A không có nghĩa vụ phải cấp dưỡng cho vợ cũ của ông A
3 Trường hợp cha và con chết cùng ngày thì con có được nhận di sản thừa kế hay không? Điều 619 Bộ Luật Dân sự 2015 quy định về việc thừa kế trong trường hợp chết cùng thời điểm như sau: “Trong trường hợp những người có quyền thừa kế di sản của nhau đều chết cùng thời điểm hoặc được coi là chết cùng thời điểm do không thể xác định được người nào chết trước (sau đây gọi là chết cùng thời điểm) thì họ không được thừa kế di sản của nhau và di sản của mỗi người do người thừa kế của người đó hưởng, trừ trường hợp thừa kế thế vị theo quy định tại Điều 652 của Bộ luật này.” Trong trường hợp không có đủ chứng cứ xác định ai chết trước ai chết sau thì ta coi như họ là những người chết cùng một thời điểm khi đó, thừa kế trong trường hợp chết cùng thời điểm sẽ được giải quyết như sau: vì người được quyền hưởng thừa kế đó không còn sống tại thời điểm mở thừa kế nên họ sẽ không được hưởng tài sản thừa kế của nhau và không được thừa kế di sản của mỗi người do người thừa kế của người đó hưởng. Trừ trường hợp thừa kế thế vị đã nêu ở trên. Tức là trong trường hợp bố, mẹ mất cùng một thời điểm với ông nội hoặc bà nội thì con sẽ được thừa kế thế vị thay thế bố, mẹ nhận di sản thừa kế của ông, bà.
4 Con riêng của vợ, chồng tuy không sống chung và được trực tiếp nuôi dưỡng bởi cha dượng, mẹ kế thì có được hưởng di sản mà cha dượng, mẹ kế để lại hay không? Nói chung con riêng và cha kế, mẹ kế không được thừa kế tài sản của nhau, vì không có quan hệ huyết thống với nhau. Tuy nhiên, Điều 654 của Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Con riêng và bố dượng, mẹ kế nếu có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng nhau như cha con, mẹ con thì được thừa kế di sản của nhau và còn được chia thừa kế theo quy định tại Điều 652 và Điều 653 của Bộ luật này”. Việc xác định có quan hệ nuôi dưỡng, chăm sóc nhau trên thực tế như cha con, mẹ con thì cần căn cứ vào các quy định của Luật Hôn nhân và gia đình về quyền và nghĩa vụ của cha, mẹ, con (Điều 69, 70, 71, 72), trong đó, phải đánh giá một cách toàn diện các yếu tố như: bố dượng, mẹ kế hàng tháng có trả tiền nuôi dưỡng, chăm sóc, chăm lo đến việc học tập, giáo dục con, thương yêu con… Đồng thời, mức độ quan hệ nuôi dưỡng, chăm sóc nhau trên thực tế như cha con, mẹ con phải đảm bảo được cuộc sống của họ. Do vậy, căn cứ quy định nêu trên thì con riêng, bố dượng, mẹ kế chỉ cần có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng nhau trên thực tế như cha, mẹ con thì được thừa kế di sản của nhau, không bắt buộc những người này phải sống chung.
5 A nhận nuôi B làm con nuôi, một thời gian sau A lấy vợ là C, liệu sau khi C chết mà không để lại di chúc thì B có được nhận di sản thừa kế do C để lại hay không? Trong trường hợp người có con nuôi kết hôn với người khác thì người con nuôi không đương nhiên trở thành con nuôi của người khác đó cho nên B không đương nhiên trở thành con nuôi của C. Vậy nên B không thuộc diện thừa kế và không được nhận thừa kế theo pháp luật của C.
6 Con nuôi (đã được nhận nuôi hợp pháp bởi cha mẹ nuôi) thì có được hưởng thừa kế theo pháp luật của ông, bà ruột không? Theo quy định tai Điều 651 Bộ luật dân sự 2015 thì: “Con nuôi và cha nuôi, mẹ nuôi được thừa kế di sản của nhau và còn được thừa kế di sản theo quy định tại Điều 651 và Điều 652 của Bộ luật này.” Vậy nên về phía gia đình cha, mẹ đẻ: Người đã làm con nuôi của người khác vẫn có quan hệ thừa kế với cha đẻ, mẹ đẻ, ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột, bác ruột, chú ruột, cô ruột, dì ruột theo quy định tại Điều 651 và Điều 652 Bộ luật dân sự 2015 như người không làm con nuôi của người khác.
7 Trường hợp con của người để lại di sản vi phạm các quy định tại khoản 1 Điều 621 của Bộ luật Dân sự là những trường hợp không được quyền hưởng di sản nhưng người con này lại chết trước hoặc cùng người để lại di sản thì con của người này có được hưởng thừa kế thế vị đối với di sản do ông bà để lại hay không? Điều 652 của Bộ luật Dân sự quy định: “Trường hợp con của người để lại di sản chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống…”. Theo quy định tại Điều 652 nêu trên thì không phải cứ con chết trước người để lại di sản thì cháu được hưởng di sản. Thừa kế thế vị là hưởng thay và đối tượng hưởng thay đã được quy định rõ là “phần di sản của cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống”. Trường hợp một người đã không được quyền hưởng di sản theo quy định tại khoản 1 Điều 621 của Bộ luật Dân sự, như bị kết án về hành vi ngược đãi nghiêm trọng người cha thì họ sẽ không được hưởng di sản của người cha. Do vậy, nếu họ còn sống khi cha chết thì họ cũng không được hưởng di sản thừa kế nên không có “phần được hưởng nếu còn sống” để cho người khác hưởng thế vị.

TrienLuatLaw.