0903.121.676 / 077.682.0693
0903.121.676 / 077.682.0693

[NHỜ ÔNG NGOẠI ĐI ĐĂNG KÝ KHAI SINH CHO CHÁU THÌ CÓ CẦN GIẤY ỦY QUYỀN KHÔNG?]

Tình huống:

Tôi và chồng kết hôn với nhau và mới sinh được con trai chưa được 1 tháng. Nay tôi muốn nhờ bố mình đi đăng ký khai sinh cho cháu. Tôi muốn biết ông ngoại đi đăng ký khai sinh cho cháu có cần phải có giấy ủy quyền không?

Kính mong quý VPLS tư vấn giúp tôi, xin chân thành cảm ơn.

Nội dung tư vấn:

Theo nội dung mà chị cung cấp, chúng tôi có một số ý kiến tư vấn như sau:

Căn cứ tại khoản 1 Điều 15 Luật Hộ tịch 2014 quy định:

Điều 15. Trách nhiệm đăng ký khai sinh

1. Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày sinh con, cha hoặc mẹ có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho con; trường hợp cha, mẹ không thể đăng ký khai sinh cho con thì ông hoặc bà hoặc người thân thích khác hoặc cá nhân, tổ chức đang nuôi dưỡng trẻ em có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho trẻ em.”

Căn cứ theo quy định nêu trên, trong trường hợp cha mẹ không thể đăng ký khai sinh cho con thì ông hoặc bà có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho trẻ. Do đó, trong trường hợp của chị, ông ngoại có thể đi khai sinh cho cháu.

Bên cạnh đó, tại Điều 2 Thông tư 04/2020/TT-BTP quy định như sau:

Điều 2. Việc ủy quyền đăng ký hộ tịch

1. Người yêu cầu cấp bản sao trích lục hộ tịch, cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân, yêu cầu đăng ký các việc hộ tịch theo quy định tại Điều 3 Luật hộ tịch (sau đây gọi là yêu cầu đăng ký hộ tịch) được uỷ quyền cho người khác thực hiện thay; trừ trường hợp đăng ký kết hôn, đăng ký lại việc kết hôn, đăng ký nhận cha, mẹ, con thì không được ủy quyền cho người khác thực hiện, nhưng một bên có thể trực tiếp nộp hồ sơ tại cơ quan đăng ký hộ tịch có thẩm quyền, không phải có văn bản ủy quyền của bên còn lại.

Việc ủy quyền phải lập thành văn bản, được chứng thực theo quy định của pháp luật. Trường hợp người được ủy quyền là ông, bà, cha, mẹ, con, vợ, chồng, anh, chị, em ruột của người ủy quyền thì văn bản ủy quyền không phải chứng thực.

2. Trường hợp người đi đăng ký khai sinh cho trẻ em là ông, bà, người thân thích khác theo quy định tại khoản 1 Điều 15 Luật hộ tịch thì không phải có văn bản ủy quyền của cha, mẹ trẻ em, nhưng phải thống nhất với cha, mẹ trẻ em về các nội dung khai sinh.”

Như vậy, trong trường hợp của chị, khi ông ngoại đi đăng ký khai sinh cho cháu thì không cần phải có văn bản ủy quyền. Tuy nhiên, ông ngoại phải thống nhất với vợ, chồng chị về các nội dung khai sinh.

Trên đây là nội dung tư vấn của Văn phòng luật sư Triển Luật về vấn đề chị yêu cầu. Nếu chị còn vướng mắc hoặc cần hỗ trợ các vấn đề pháp lý khác, vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi để được tư vấn và giải đáp cụ thể.