0903.121.676 / 077.682.0693
0903.121.676 / 077.682.0693

Người yêu cầu ly hôn đơn phương có bị chia tài sản chung ít hơn không? Làm gì khi bị ngăn cản gặp con chung sau ly hôn?

Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi về văn phòng Luật sư Triển Luật của chúng tôi, sau đây là những ý kiến pháp lý của chúng tôi về câu hỏi của bạn.

1. Về việc chia tài sản chung khi ly hôn đơn phương

Vợ chồng khi ly hôn có quyền tự thỏa thuận với nhau về toàn bộ các vấn đề, trong đó có cả việc phân chia tài sản. Trường hợp vợ chồng không thỏa thuận được mà có yêu cầu thì Tòa án phải xem xét, quyết định việc áp dụng chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận hay theo luật định, tùy từng trường hợp cụ thể.

Trường hợp chia tài sản theo luật định, căn cứ Điều 59 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 và Điều 7 Thông tư liên tịch 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP có quy định về nguyên tắc giải quyết tài sản của vợ chồng khi ly hôn như sau:

Tài sản chung của vợ chồng được chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố sau đây:

- Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng;

- Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập;

- Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập;

- Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng.

Tài sản riêng của vợ, chồng thuộc quyền sở hữu của người đó, trừ trường hợp tài sản riêng đã nhập vào tài sản chung theo quy định của Luật này. Trong trường hợp có sự sáp nhập, trộn lẫn giữa tài sản riêng với tài sản chung mà vợ, chồng có yêu cầu về chia tài sản thì được thanh toán phần giá trị tài sản của mình đóng góp vào khối tài sản đó, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác.

Như vậy, tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn sẽ được chia theo thỏa thuận, nếu không thỏa thuận được thì tòa án sẽ chia theo nguyên tắc là chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố như quy định nêu trên và sẽ không có trường hợp người yêu cầu ly hôn đơn phương sẽ bị chia tài sản chung ít hơn.

2. Về hành vi ngăn cản không cho gặp con

Việc ngăn cản không cho cha mẹ gặp con là một trong những hành vi bạo lực gia đình được nêu tại Điều 2 Luật Phòng chống bạo lực gia đình 2007.

Theo đó, căn cứ Điều 56 Nghị định 144/2021/NĐ-CP có quy định đối với hành vi ngăn cản quyền thăm nom, chăm sóc giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con (trừ trường hợp cha mẹ bị hạn chế quyền thăm nom con theo quyết định của tòa án); giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau” sẽ bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.

Bởi vậy, để được thăm con khi bị cản trở thì người bị ngăn cản có thể thực hiện các cách sau đây:

Trước hết cần thương lượng với vợ cũ và gia đình của vợ cũ để thoả thuận lại nhằm đảm bảo quyền thăm non, chăm sóc con cho bạn.

Trong trường hợp vợ và gia đình vợ cũ vẫn tiếp tục cố tình không cho bạn thăm con, thì bạn có thể:

- Gửi đơn yêu cầu UBND cấp huyện chứng kiến, xác nhận về việc có đến thăm nom nhưng bị vợ cũ gây khó khăn, cản trở và yêu cầu xử phạt vi phạm hành chính vợ cũ về hành vi ngăn cản quyền thăm nom con.

- Gửi đơn yêu cầu cơ quan thi hành án để lập biên bản, giải quyết cho thi hành vấn đề thăm nom, chăm sóc con chung theo bản án/quyết định của Tòa án.

Trường hợp bạn có chứng cứ chứng minh vợ cũ không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì bạn có thể nộp đơn yêu cầu Tòa án thay đổi quyền nuôi con.

Trên đây là nội dung tư vấn của Văn phòng luật sư Triển Luật về vấn đề bạn yêu cầu. Nếu bạn còn vướng mắc hoặc cần hỗ trợ các vấn đề pháp lý khác, vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi để được tư vấn và giải đáp cụ thể.