0903.121.676 / 077.682.0693
0903.121.676 / 077.682.0693

NẾU CÓ NHIỀU BẢN DI CHÚC THÌ GIẢI QUYẾT THẾ NÀO?

Tình huống:

Gia đình tôi có 4 người con. Tôi và các anh em đều đã lập gia đình. Nay ba tôi đột ngột bệnh rồi qua đời và ông có để lại 1 khối tài sản lớn. Sau khi ông mất gia đình tôi có tìm thấy 3 bản di chúc của ông để lại với nội dung có sự khác biệt. Vậy thì bản nào mới là bản được xem có hiệu lực pháp luật? Mong Luật sư tư vấn giúp gia đình tôi.

Giải đáp:

Trong thực tế việc thừa kế, quyền thừa kế và hình thức của di chúc luôn là những vấn đề khiến người dân có nhiều khúc mắc và hoang mang trong quá trình thực hiện việc chia thừa kế. Đối với tình huống của bạn theo khoản 5 Điều 643 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: “Khi một người để lại nhiều bản di chúc đối với một tài sản thì chỉ bản di chúc sau cùng có hiệu lực pháp luật”.

Vậy nên, trong tình huống của bạn cần phải xác định rõ các vấn đề như sau:

- Xác định thời gian lập di chúc, bản di chúc được lập sau cùng sẽ được xem là bản có hiệu lực pháp luật.

- Nếu không xác định được thời gian lập di chúc thì cần phải xem xét sự khác biệt về nội dung của các bản di chúc đó. Trong trường hợp nó không có sự mâu thuẫn giữa nội dung các bản di chúc thì thì các bản di chúc đó đều có hiệu lực pháp luật. Tuy nhiên, nếu có tranh chấp thì Tòa án chỉ căn cứ vào bản di chúc được lập sau cùng, các bản di chúc trước đó có thể được coi là chứng cứ thể hiện thống nhất ý chí của người để lại di chúc.

Và trong trường hợp các bản di chúc đó có sự khác biệt lớn, không rõ ràng, có những mâu thuẫn giữa các bản di chúc thì có thể áp dụng Điều 648 Bộ luật Dân Sự 2015 giải thích nội dung di chúc.

“Trường hợp nội dung di chúc không rõ ràng dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau thì những người thừa kế theo di chúc phải cùng nhau giải thích nội dung di chúc dựa trên ý nguyện đích thực trước đây của người chết, có xem xét đến mối quan hệ của người chết với người thừa kế theo di chúc. Khi những người này không nhất trí về cách hiểu nội dung di chúc thì có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết.

Trường hợp có một phần nội dung di chúc không giải thích được nhưng không ảnh hưởng đến các phần còn lại của di chúc thì chỉ phần không giải thích được không có hiệu lực”

Tuy nhiên, nếu những người thừa kế không thống nhất được về giải quyết mâu thuẫn của các bản di chúc thì có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết, tức là chia thừa kế theo pháp luật. Như vậy, trường hợp không xác định được chia di chúc sau cùng khi có nhiều di chúc khác nhau, có nội dung mâu thuẫn với nhau mà không thể giải thích thống nhất được, phải yêu cầu Tòa án giải quyết thì các bản di chúc đó đều không có hiệu lực pháp luật.

TRIỂN LUẬT LAW.