0903.121.676 / 077.682.0693
0903.121.676 / 077.682.0693

MẸ VỢ CÓ QUYỀN YÊU CẦU TÒA ÁN GIẢI QUYẾT LY HÔN THAY CHO CON GÁI HAY KHÔNG?

Tình huống:

Anh Tú và chị Tâm kết hôn và trở thành vợ chồng hơn 15 năm. Sau đó, chị Tâm gặp tai nạn và bị chấn thương não dẫn đến phát bệnh tâm thần (Có hồ sơ bệnh án). Sau thời gian dài điều trị không có biến chuyển, anh Tú đã từ cảm giác yêu thương, chăm sóc vợ mình chuyển thành cảm giác chán nản và thường xuyên có hành vi bạo lực gia đình, đánh đập, bạo hành vợ, con một cách dã man. Bà Thanh – mẹ của chị Tâm, lúc nào qua thăm thì trên người 2 mẹ con cũng có những vết thương, bầm tím. Bà rất thương xót cho con gái lẫn cháu của mình phải sống trong hoàn cảnh như vậy. Vậy, bà Thanh có được quyền yêu cầu Tòa án giải quyết vấn đề ly hôn được không?

Hướng giải quyết:

Theo trường hợp trên, ta có thể áp dụng Điều 51 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 để giải quyết vấn đề này như sau:

       Điều 51. Quyền yêu cầu giải quyết ly hôn

1. Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn.

2. Cha, mẹ, người thân thích khác có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ.

3. Chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi.

Theo quy định này, cha, mẹ có thể yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn thay cho con nếu đáp ứng điều kiện nêu trên. Trong đó, bạo lực gia đình được quy định cụ thể tại khoản 1 Điều 2 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình gồm:

a) Hành hạ, ngược đãi, đánh đập hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khoẻ, tính mạng;

b) Lăng mạ hoặc hành vi cố ý khác xúc phạm danh dự, nhân phẩm;

c) Cô lập, xua đuổi hoặc gây áp lực thường xuyên về tâm lý gây hậu quả nghiêm trọng;

d) Ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong quan hệ gia đình giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau;

đ) Cưỡng ép quan hệ tình dục;

e) Cưỡng ép tảo hôn; cưỡng ép kết hôn, ly hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ;

g) Chiếm đoạt, huỷ hoại, đập phá hoặc có hành vi khác cố ý làm hư hỏng tài sản riêng của thành viên khác trong gia đình hoặc tài sản chung của các thành viên gia đình;

h) Cưỡng ép thành viên gia đình lao động quá sức, đóng góp tài chính quá khả năng của họ; kiểm soát thu nhập của thành viên gia đình nhằm tạo ra tình trạng phụ thuộc về tài chính;

i) Có hành vi trái pháp luật buộc thành viên gia đình ra khỏi chỗ ở.

Như vậy, căn cứ theo Khoản 2 Điều 51 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014, vì con gái bà Thanh bị tâm thần và cũng đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình nên bà Thanh có quyền gửi đơn khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn giữa anh Tú và chị Tâm. Tuy nhiên, để Tòa án chấp nhận đơn và giải quyết việc ly hôn thì phải có chứng cứ chứng minh anh Tú đánh đập và làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của chị Tâm.

TRIỂN LUẬT LAW.