0903.121.676 / 077.682.0693
0903.121.676 / 077.682.0693

LY HÔN TRONG TRƯỜNG HỢP CHỒNG MẤT TÍCH

Trường hợp vợ hoặc chồng đi làm kinh tế, đi nước ngoài, bỏ nhà ra đi nhiều năm mà không có tin tức gì thì liệu người còn lại có được phép lấy vợ, chồng mới hay phải chờ họ về để làm thủ tục ly hôn?

Trả lời:

Theo khoản 14 Điều 3 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 thì ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án. Trong trường hợp vợ chồng yêu cầu ly hôn, nếu xét thấy hai bên thật sự tự nguyện ly hôn và đã thỏa thuận về các vấn đề còn lại như nợ chung, tài sản chung, con chung thì Tòa án công nhận thuận tình ly hôn.

Trong trường hợp vợ hoặc chồng ra đi mất tích thì không thể cùng yêu cầu ly hôn được, do đó người còn lại có thể yêu cầu Tòa án giải quyết theo quy định tại Điều 56 của Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014. Cụ thể:

 “1. Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.

2. Trong trường hợp vợ hoặc chồng của người bị Tòa án tuyên bố mất tích yêu cầu ly hôn thì Tòa án giải quyết cho ly hôn.

Có nghĩa là, Tòa án sẽ căn cứ vào quy định của pháp luật để giải quyết việc ly hôn theo yêu cầu của một bên. Trong trường hợp này, trước tiên phải thực hiện thủ tục đề nghị Tòa án tuyên bố vợ, chồng mất tích. Theo khoản 1 Điều 68 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì khi một người biệt tích 02 năm liền trở lên, mặc dù đã áp dụng đầy đủ các biện pháp thông báo, tìm kiếm theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự nhưng vẫn không có tin tức xác thực về việc người đó còn sống hay đã chết thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan, Tòa án có thể tuyên bố người đó mất tích. Thời hạn 02 năm được tính từ ngày biết được tin tức cuối cùng về người đó; nếu không xác định được ngày có tin tức cuối cùng thì thời hạn này được tính từ ngày đầu tiên của tháng tiếp theo tháng có tin tức cuối cùng; nếu không xác định được ngày, tháng có tin tức cuối cùng thì thời hạn này được tính từ ngày đầu tiên của năm tiếp theo năm có tin tức cuối cùng

Khi Tòa án có quyết định tuyên vợ hoặc chồng mất tích, người còn lại có thể thực hiện thủ tục yêu cầu ly hôn đơn phương. Sau đó, khi có quyết định giải quyết việc ly hôn, người này mới có thể kết hôn với người khác.

Nếu chưa thực hiện thủ tục này mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác là vi phạm điều cấm của pháp luật. Cụ thể, một trong các hành vi bị nghiêm cấm được quy định tại điểm c khoản 2 Điều 5 của Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 là: “Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ”.

Trong trường hợp một người đã bị tuyên bố mất tích trở về thì quyết định tuyên bố họ mất tích không đương nhiên chấm dứt hiệu lực. Họ cần phải làm thủ tục hủy bỏ quyết định tuyên bố mất tích. Trường hợp vợ hoặc chồng của người đó đã được ly hôn thì dù người bị tuyên bố mất tích trở về hoặc có tin tức xác thực là người đó còn sống, quyết định cho ly hôn vẫn có hiệu lực pháp luật.

 TRIỂN LUẬT LAW.