0903.121.676 / 077.682.0693
0903.121.676 / 077.682.0693

Tình huống: Anh A kết hôn với chị B, cả hai đều có đăng ký kết hôn năm 2010. Sau khi chung sống với nhau được 8 năm thì anh A và chị B luôn xảy ra mâu thuẫn và không tìm được tiếng nói chung. Vì vậy anh B đã bỏ nhà đi từ năm 2018 cho đến nay. Chị B muốn ly hôn với anh A nhưng không biết nơi cư trú hiện tại của anh A dẫn đến việc không biết nộp đơn xin ly hôn ở đâu. Cả hai đều không có tài sản chung và con chung. Nay chị B nhờ tư vấn xác định nơi nộp đơn xin ly hôn với anh A.

Trả lời:

Theo quy định tại điểm a Khoản 1 Điều 35 Bộ luật tố tụng dân sự 2015:

“1. Tòa án nhân dân cấp huyện có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp sau đây:

a) Tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình quy định tại Điều 26 và Điều 28 của Bộ luật này, trừ tranh chấp quy định tại khoản 7 Điều 26 của Bộ luật này”

Ngoài ra, theo Khoản 1 Điều 28 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định về những tranh chấp về hôn nhân và gia đình thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án: “Ly hôn, tranh chấp về nuôi con, chia tài sản khi ly hôn; chia tài sản sau khi ly hôn”.

Như vậy, việc nộp đơn xin ly hôn với anh A sẽ phải nộp tại Toà án nhân dân cấp huyện. Sau khi đã xác định được thẩm quyền là Toà án nhân dân cấp huyện, tiếp theo cần phải xác định Toà án giải quyết theo lãnh thổ là Tòa án nào. Sau đây là hai cách xác định:

1. Thẩm quyền theo sự lựa chọn của nguyên đơn

Theo quy định tại điểm a Khoản 1 Điều 40 Bộ luật tố tụng dân sự 2015:

“1. Nguyên đơn có quyền lựa chọn Tòa án giải quyết tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động trong các trường hợp sau đây:

a) Nếu không biết nơi cư trú, làm việc, trụ sở của bị đơn thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc, có trụ sở cuối cùng hoặc nơi bị đơn có tài sản giải quyết”.

Từ quy định này, chị B có thể nộp đơn yêu cầu ly hôn tại Toà án nơi anh A cư trú, làm việc. Tuy nhiên, căn cứ theo thông tin cung cấp, anh A đã bỏ đi và bây giờ không biết chỗ ở hiện tại ở đâu. Do đó, chị B có thể nộp Đơn khởi kiện về việc ly hôn nộp tại Tòa án nhân dân cấp huyện ở nơi chồng đang đăng ký thường trú hoặc tạm trú.

2. Tuyên bố mất tích

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 56 Luật hôn nhân gia đình 2014:

“2. Trong trường hợp vợ hoặc chồng của người bị Tòa án tuyên bố mất tích yêu cầu ly hôn thì Tòa án giải quyết cho ly hôn”.

Ngoài ra, theo quy định tại Khoản 1 Điều 68 Bộ luật dân sự 2015:

“1. Khi một người biệt tích 02 năm liền trở lên, mặc dù đã áp dụng đầy đủ các biện pháp thông báo, tìm kiếm theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự nhưng vẫn không có tin tức xác thực về việc người đó còn sống hay đã chết thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan, Tòa án có thể tuyên bố người đó mất tích.

Thời hạn 02 năm được tính từ ngày biết được tin tức cuối cùng về người đó; nếu không xác định được ngày có tin tức cuối cùng thì thời hạn này được tính từ ngày đầu tiên của tháng tiếp theo tháng có tin tức cuối cùng; nếu không xác định được ngày, tháng có tin tức cuối cùng thì thời hạn này được tính từ ngày đầu tiên của năm tiếp theo năm có tin tức cuối cùng”.

Chị B có thể đợi đến sau 02 năm kể từ khi anh A bỏ đi mà không có bất cứ liên hệ nào về với gia đình để làm đơn yêu cầu Tòa án tuyên bố anh A mất tích và đồng thời yêu cầu giải quyết vấn đề ly hôn theo quy định tại Điều 68 Bộ luật Dân sự năm 2015 và Điều 56 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.

Nếu như anh A đã bị tuyên bố mất tích thì chị B chỉ cần nộp đơn ly hôn lên Toà án nhân dân cấp huyện nơi chị B sinh sống yêu cầu Toà án giải quyết cho chị B ly hôn với anh A.

TRIỂN LUẬT LAW.