0903.121.676 / 077.682.0693
0903.121.676 / 077.682.0693

[DI NGUYỆN MUỐN HỢP PHÁP PHẢI THỎA ĐIỀU KIỆN NÀO?]

Tình huống: Chào Luật sư. Ngày 02/4/2021, khi đang tham gia giao thông trên đường, vợ tôi có va chạm với một xe container bị thương rất nặng. Trên đường đi cấp cứu trên xe cứu thương, vợ tôi có trăn trối lại trước 01 bác sĩ và 01 điều dưỡng viên rằng “tôi có di nguyện để toàn bộ số tiền tiết kiệm tôi có trong ngân hàng X cho chồng tôi là H, tôi để lại ngôi nhà 03 tầng tại Phường X, quận Y, TP H cho con gái tôi là N”. Tôi muốn nhờ Luật sư tư vấn cho tôi biết, di nguyện của vợ tôi có hợp pháp hay không? Tôi xin chân thành cảm ơn.

Nội dung tư vấn:

Chào anh! Theo thông tin mà anh cung cấp, chúng tôi xin có ý kiến như sau:

Căn cứ theo quy định tại Điều 629 Bộ luật dân sự năm 2015 như sau:

Điều 629. Di chúc miệng

1. Trường hợp tính mạng một người bị cái chết đe dọa và không thể lập di chúc bằng văn bản thì có thể lập di chúc miệng.

2. Sau 03 tháng, kể từ thời điểm di chúc miệng mà người lập di chúc còn sống, minh mẫn, sáng suốt thì di chúc miệng mặc nhiên bị hủy bỏ.

Như vậy, trong trường hợp này, di nguyện của vợ anh lúc trên đường đi cấp cứu được xem là di chúc miệng.

Để được xem là hợp pháp thì di chúc miệng phải tuân thủ điều kiện hợp pháp theo quy định tại khoản 5 Điều 630 như sau:

Điều 630. Di chúc hợp pháp

5. Di chúc miệng được coi là hợp pháp nếu người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng và ngay sau khi người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng, người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc phải được công chứng viên hoặc cơ quan có thẩm quyền chứng thực xác nhận chữ ký hoặc điểm chỉ của người làm chứng.”

Căn cứ theo quy định nêu trên, để di chúc miệng của vợ anh hợp pháp, cần phải đảm bảo 03 điều kiện sau đây:

- Thứ nhất, vợ anh phải thể hiện ý chí cuối cùng trước mặt ít nhất 02 người làm chứng. Những người làm chứng này phải thỏa mãn điều kiện theo quy định tại Điều 632 Bộ luật dân sự: “Mọi người đều có thể làm chứng cho việc lập di chúc, trừ những người sau đây: 1) Người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật của người lập di chúc; 2) Người có quyền, nghĩa vụ tài sản liên quan tới nội dung di chúc; 3) Người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.

- Thứ hai, ngay sau khi vợ anh thể hiện ý chí cuối cùng thì những người làm chứng phải ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ lên văn bản di chúc đó.

- Thứ ba, trong vòng 05 ngày, kể từ ngày vợ anh thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc phải được công chứng viên hoặc cơ quan có thẩm quyền chứng thực xác nhận chữ ký hoặc điểm chỉ của người làm chứng.

Như vậy, nếu di nguyện của vợ anh đảm bảo đủ các điều kiện nêu trên thì sẽ hợp pháp và phát sinh hiệu lực kể từ thời điểm vợ anh qua đời.

Trên đây là nội dung tư vấn của Văn phòng luật sư Triển Luật về vấn đề mà anh yêu cầu. Nếu anh còn vướng mắc hoặc cần hỗ trợ các vấn đề pháp lý khác, vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ số 213A (Tầng 2) Nguyễn Xí, Phường 13, Quận Bình Thạnh, TPHCM, số điện thoại liên hệ: 0903.121.676 – 077.682.0693 để được tư vấn và giải đáp cụ thể.