0903.121.676 / 077.682.0693
0903.121.676 / 077.682.0693

Tình huống: Bố tôi đã mất cách đây 7 năm và đã gia đình đã tiến hành chia di sản thừa kế ngay sau đó. Bây giờ có một người phụ nữ dắt tới một đứa trẻ 8 tuổi tới và chứng minh được bố tôi là bố của đứa trẻ đấy. Bây giờ gia đình tôi có phải chia lại thừa kế cho đứa trẻ đó không?

Trả lời:

Theo Khoản 2 Điều 623 Bộ luật dân sự 2015: “Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác là 10 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế”. Như vậy, trong thời hạn 10 năm kể từ ngày người để lại di sản mất, người thừa kế có quyền khởi kiện yêu cầu chia di sản thừa kế, xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền của người khác

Trong trường hợp này, thời điểm mở thừa kế là cách đây 7 năm nên đứa trẻ vẫn có quyền được hưởng di sản bố bạn để lại.

Việc chia lại di sản như sau:

Trường hợp 1: Bố bạn có để lại di chúc nhưng trong nội dung di chúc không để lại cho đứa trẻ này:

Theo Khoản 1 Điều 644 Bộ luật dân sự 2015:

“1. Những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó:

a) Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng;

b) Con thành niên mà không có khả năng lao động”.

Đứa trẻ thuộc trường hợp con chưa thành niên do đó đứa trẻ sẽ được hưởng phần di sản tối thiểu bằng 2/3 của một suất khi chia di sản theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, Khoản 1 Điều 662 Bộ luật dân sự 2015 quy định: “1. Trường hợp đã phân chia di sản mà xuất hiện người thừa kế mới thì không thực hiện việc phân chia lại di sản bằng hiện vật, nhưng những người thừa kế đã nhận di sản phải thanh toán cho người thừa kế mới một khoản tiền tương ứng với phần di sản của người đó tại thời điểm chia thừa kế theo tỷ lệ tương ứng với phần di sản đã nhận, trừ trường hợp có thỏa thuận khác”. Vì hiện nay di sản đã được chia nên gia đình bạn phải thanh toán tiền tương ứng với phần di sản mà đáng lẽ ra đứa trẻ được hưởng.

Trường hợp 2: Bố bạn không để lại di chúc

Vì bố bạn không để lại di chúc nên di chúc sẽ được chia theo pháp luật. Cụ thể theo điểm a Khoản 1 Điều 651 Bộ luật dân sự 2015: “a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết”

Ngoài ra, cũng theo Khoản 2 Điều này: “2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau”.

Khi đó di sản do bố bạn để lại sẽ được chia cho hàng thừa kế thứ nhất: vợ, con đẻ, con nuôi, cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi của người để lại di sản. Việc phân chia di sản không phân biệt con trong hay ngoài giá thú nên khi đó đứa trẻ cũng được hưởng phần di sản bằng với những người khác trong gia đình của bạn. Nhưng do di sản đã được chia nên đứa trẻ sẽ được thanh toán một khoản tiền tương ứng với phần di sản đáng lẽ ra mà đứa trẻ được nhận tại thời điểm chia thừa kế.

TRIỂN LUẬT LAW.