0903.121.676 / 077.682.0693
0903.121.676 / 077.682.0693

CĂN CƯỚC CÔNG DÂN GẮN CHIP LÀ GÌ

 

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 3 Luật Căn cước công dân 2014 thì căn cước công dân được hiểu là những thông tin cơ bản về lai lịch và nhận dạng của công dân. Thẻ Căn cước công dân gồm thông tin sau đây:

a) Mặt trước thẻ có hình Quốc huy nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; dòng chữ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Độc lập - Tự do - Hạnh phúc; dòng chữ “Căn cước công dân”; ảnh, số thẻ Căn cước công dân, họ, chữ đệm và tên khai sinh, ngày, tháng, năm sinh, giới tính, quốc tịch, quê quán, nơi thường trú; ngày, tháng, năm hết hạn;

b) Mặt sau thẻ có bộ phận lưu trữ thông tin được mã hóa; vân tay, đặc điểm nhân dạng của người được cấp thẻ; ngày, tháng, năm cấp thẻ; họ, chữ đệm và tên, chức danh, chữ ký của người cấp thẻ và dấu có hình Quốc huy của cơ quan cấp thẻ.

Điểm khác biệt cơ bản căn cước công dân gắn chip so với chứng minh nhân dân và căn cước công dân mã vạch là có thêm mã QR Code và chíp điện tử. Với mã QR Code, bất cứ cá nhân, tổ chức nào sử dụng điện thoại thông minh đều có thể quét được các thông tin như số chứng minh thư cũ, họ tên của người được cấp, do vậy công dân không cần xin giấy xác nhận số chứng minh thư cũ khi thực hiện những thủ tục hành chính có liên quan.

Thông tin lưu trữ trong chip điện tử gồm: Số căn cước công dân; họ và tên, họ và tên khác; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; quốc tịch; dân tộc; tôn giáo; quê quán; nơi đăng ký thường trú; đặc điểm nhận dạng; ngày cấp; ngày hết hạn; họ tên cha/mẹ, vợ/chồng; số chứng minh nhân dân đã được cấp; ảnh chân dung; đặc điểm vân tay 2 ngón trỏ; dự phòng cho ảnh mống mắt và các thông tin khác (mở rộng ứng dụng cho các bộ, ngành khác).

Dự kiến, trong thời gian tới, chip điện tử trên thẻ Căn cước công dân có thể cập nhật thêm các thông tin cá nhân như bảo hiểm, ngân hàng, giấy phép lái xe... Việc cập nhật sẽ được thực hiện thông qua sự chủ động của người dân đến thông báo tại cơ quan chức năng hoặc thông qua cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Ngoài ra, dãy 12 số trên thẻ căn cước công dân cũng chứa một số thông tin sau: 3 chữ số đầu tiên là mã tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoặc mã quốc gia nơi công dân đăng ký khai sinh, 1 chữ số tiếp theo là mã giới tính công dân, 2 chữ số tiếp theo là mã năm sinh thể hiện 2 số cuối năm sinh của công dân, 6 chữ số cuối là dãy số ngẫu nhiên.

Theo Bộ Công an, chíp được gắn trên thẻ căn cước công dân là để lưu trữ các thông tin của công dân trên thẻ căn cước công dân với mục tiêu là tạo điều kiện thuận tiện cho công dân thực hiện các giao dịch hành chính, đi lại, nâng cao hiệu quả của Chính phủ điện tử, Chính phủ số; không có chức năng định vị, theo dõi để xác định vị trí của công dân. Việc tích hợp, sử dụng thông tin trên chip tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam, bảo đảm an ninh, an toàn thông tin.

Bộ Công an bắt đầu cấp thẻ CCCD mã vạch từ năm 2016, đến nay 16 tỉnh thành đã được trang bị cơ sở hạ tầng để cấp với trên 16 triệu thẻ. Các tỉnh, thành còn lại, công dân đang sử dụng CMND 09 số và 12 số. Tuy nhiên, khi dự án cấp thẻ CCCD gắn chip điện tử được khởi động thực hiện đồng bộ trên cả nước thì không phải tất cả mọi công dân đều bắt buộc phải đổi sang thẻ CCCD gắn chip điện tử.

Theo quy định, công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên đã đăng ký thường trú thì được cấp thẻ CCCD. Trước mắt, chỉ những người chưa có CMND hoặc CCCD, công dân có CMND hoặc CCCD mã vạch đã hết hạn, hư hỏng, mất hoặc có thay đổi, điều chỉnh thông tin thì mới phải đổi sang CCCD gắn chip điện tử. Đối với các trường hợp CMND, CCCD mã vạch vẫn còn giá trị sử dụng và không thay đổi thông tin thì vẫn có thể tiếp tục sử dụng bình thường cho đến khi hết hạn.

TRIỂN LUẬT LAW.