0903.121.676 / 077.682.0693
0903.121.676 / 077.682.0693

BÀ NỘI CÓ THỂ NGĂN CẤM MẸ ĐÓN CON VỀ THĂM ÔNG BÀ NGOẠI SAU KHI HAI VỢ CHỒNG LY HÔN?

Tình huống:

Tôi và chồng đã ly hôn, chúng tôi có với nhau một bé trai năm nay 5 tuổi, được giao cho cha để trực tiếp chăm sóc. Từ khi con về sống với cha và ông bà nội, bà nội cháu đã tuyên bố không cho phép tôi đến đưa con về thăm ông bà bên ngoại. Tết vừa rồi, tôi xin phép đón con về ăn tết cùng ông bà ngoại và anh em họ hàng bên ngoại 5 ngày, sau đó sẽ đưa cháu quay lại nhưng bà nội của cháu vẫn cứ ngăn cấm tôi. Tôi xin hỏi là liệu việc tôi xin đón cháu về những dịp như vậy là có chính đáng không? Hành vi ngăn cản cháu được về thăm gia đình ngoại của bà nội cháu như thế có đúng hay không?

Kính mong Quý VPLS tư vấn giúp tôi, xin chân thành cảm ơn!

Nội dung tư vấn:

Theo nội dung mà chị cung cấp, chúng tôi có một số ý kiến tư vấn như sau:

Chị và chồng đã ly hôn, con của anh chị 5 tuổi và được giao cho cha trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng. Do đó, chị được xem là người không trực tiếp nuôi con theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình.

Căn cứ tại Điều 82 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định như sau:

Điều 82. Nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn

1. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ tôn trọng quyền của con được sống chung với người trực tiếp nuôi.

2. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.

3. Sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở.

Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom con của người đó.”

Ngoài ra, Điều 83 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 cũng quy định:

Điều 83. Nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ trực tiếp nuôi con đối với người không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn

1. Cha, mẹ trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu người không trực tiếp nuôi con thực hiện các nghĩa vụ theo quy định tại Điều 82 của Luật này; yêu cầu người không trực tiếp nuôi con cùng các thành viên gia đình tôn trọng quyền được nuôi con của mình.

2. Cha, mẹ trực tiếp nuôi con cùng các thành viên gia đình không được cản trở người không trực tiếp nuôi con trong việc thăm nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.

Do đó, nếu việc đưa cháu về thăm và ăn tết cùng ông, bà ngoại mà không trái với thỏa thuận của hai vợ chồng từ trước, đồng thời việc này cũng không cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì việc chị làm là hoàn toàn phù hợp và chính đáng nhằm thực hiện quyền, nghĩa vụ thăm nom con của chị sau khi ly hôn.

Thêm nữa, căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 2 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007 thì hành vi “Ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong quan hệ gia đình giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau” được xem là một trong những hành vi bạo lực gia đình.

Như vậy, nếu việc đưa cháu về thăm và ăn tết cùng nhà ngoại là chính đáng thì hành vi cản trợ của bà nội cháu được xem là hành vi bạo lực gia đình. Chị có thể báo với cán bộ trong khu phố hoặc Công an địa phương nơi con chị đang cư trú để đươc giúp đỡ, đồng thời ghi nhận hành vi vi phạm này, làm căn cứ để phạt vi phạm hành chính về sau (nếu cần thiết).

Thông tin thêm với chị, căn cứ theo Điều 56 Nghị định 144/2021/NĐ-CP của Chính phủ thì hành vi ngăn cản quyền thăm nom, chăm sóc giữa mẹ và con sẽ bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000.

Trên đây là nội dung tư vấn của Văn phòng luật sư Triển Luật về vấn đề chị yêu cầu. Nếu chị còn vướng mắc hoặc cần hỗ trợ các vấn đề pháp lý khác, vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ số 213A (Tầng 2) Nguyễn Xí, Phường 13, Quận Bình Thạnh, TP. HCM, số điện thoại liên hệ: 0903.121.676 – 077.682.0693 để được tư vấn và giải đáp cụ thể.