0903.121.676 / 077.682.0693
0903.121.676 / 077.682.0693

BÀ LẬP DI CHÚC CHO CHÁU THỪA HƯỞNG CÓ CẦN HỎI Ý KIẾN CON RUỘT KHÔNG?

Tình huống:

Bà Ngân hiện đang đứng tên trên một mảnh đất ở quận 4 – tài sản riêng của bà được thừa hưởng trước khi kết hôn, và chồng của bà đã mất rất lâu rồi. Đây là tài sản duy nhất mà bà hiện đang sở hữu. Bà có 2 người con (đã kết hôn) và 1 đứa cháu nội. Bà Ngân đang muốn lập di chúc với nội dung để lại toàn bộ tài sản của mình cho cháu nội thừa kế nhưng lại bị những người con trong nhà phản đối. Vậy, khi bà lập di chúc, bà có cần phải hỏi ý kiến của các con không? Sau khi bà mất (đã lập di chúc), các con của bà có được hưởng tài sản của bà hay không?

Hướng giải quyết:

1. Khi bà Ngân lập di chúc, bà có cần phải hỏi ý kiến của các con không?

Trong trường hợp trên, do mảnh đất là của bà Ngân nên bà được toàn quyền định đoạt với mảnh đất ở quận 4 này. Khoản 1 Điều 167 Luật đất đai năm 2013 và Điều 624 Bộ luật Dân sựnăm 2015 quy định như sau:

“Điều 167. Quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn quyền sử dụng đất

1. Người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn quyền sử dụng đất theo quy định của Luật này.

…”

“Điều 624. Di chúc

Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết.”

Người lập di chúc có quyền chỉ định người thừa kế, trong trường hợp di chúc là hợp pháp, thì tài sản sẽ được phân chia theo ý muốn của người để lại di sản. Vì vậy, nếu bà Ngân muốn lập di chúc để lại toàn bộ tài sản cho cháu nội thì bà được quyền tự định đoạt mà không cần sự đồng ý của hai người con.

2.  Sau khi bà Ngân mất (đã lập di chúc), các con của bà có được hưởng tài sản của bà hay không?

Để trả lời cho câu hỏi này, cần phải xem xét những người con của bà Ngân có thuộc trường hợp những người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc được quy định tại Điều 644 Bộ luật Dân sự năm 2015 hay không:

Điều 644. Người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc

1. Những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó:

a) Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng;

b) Con thành niên mà không có khả năng lao động.

2. Quy định tại khoản 1 Điều này không áp dụng đối với người từ chối nhận di sản theo quy định tại Điều 620 hoặc họ là những người không có quyền hưởng di sản theo quy định tại khoản 1 Điều 621 của Bộ luật này.”

Vì 2 người con của bà Ngân đều đã thành niên và còn khả năng lao động nên không thuộc diện người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc. Sau khi bà Ngân mất và sau khi cháu nội đã làm thủ tục khai nhận di sản thừa kế, cháu nội của bà được toàn quyền sử dụng mảnh đất quận 4.

TRIỂN LUẬT LAW.